VĂN HÓA-XÃ HỘI
Thả diều - Khi thú vui trở thành mối lo
13/06/2022 06:48:07

Thả diều - Khi thú vui trở thành mối lo
Thả diều vốn là trò chơi dân gian độc đáo của người Việt Nam; là một thú vui, một trò chơi tao nhã, thu hút nhiều lứa tuổi, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, thú chơi này diễn ra ở những nơi có không gian chật hẹp, đông đúc sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường, trong đó có nguy cơ mất an toàn khi người dân thả diều gần đường dây điện.

Kỳ nghỉ hè đến cũng là lúc mùa thả diều bắt đầu rộ lên. Hằng ngày vào mỗi buổi chiều khoảng từ 16 giờ đến 18 giờ, tại những bãi đất trống trên địa bàn các xã, phường ở thị xã Kinh Môn có khá nhiều người đến thả diều. Điều đáng nói là việc thả diều được diễn ra ở những nơi gần đường dây tải điện rất dễ xảy ra tai nạn, sự cố về điện ảnh hưởng đến tính mạng.

Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Kinh Môn thường xuyên xuất hiện các sự cố về điện làm gián đoạn trong công tác cung cấp điện cho khách hàng. Theo thống kê của Điện lực Kinh Môn, trong năm 2021, đã xảy ra 183 vụ sự cố về điện, trong đó có 90 vụ sự cố do thả diều, chiếm hơn 44% tổng số vụ sự cố. Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn Điện lực xảy ra 47 vụ sự cố, trong đó đối với sự cố do diều rơi vào đường dây 35kV gây vi phạm hành lang lưới điện cao áp là 25 vụ, chiếm hơn 52% tổng số vụ sự cố của toàn Điện lực. Số vụ sự cố điện lực ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt là sự cố do nguyên nhân người dân thả diều rơi vào đường dây 35kV. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện của Điện lực Kinh Môn nói riêng và Công ty Điện lực Hải Dương nói chung mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Diều mắc vào đường dây 35kV gây sự cố lưới điện

Trước thực trạng đó, Điện lực thị xã Kinh Môn đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác quản lý lưới điện trung hạ thế đơn vị quản lý và triển khai thực hiện: kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện trung, hạ áp; khắc phục tồn tại các đường dây và trạm biến áp bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; lập phương án cấp điện và công tác chuẩn bị nguồn, lưới điện; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện để xử lý nhanh những sự cố đột xuất có thể xảy ra.

Trong trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện, người dân tuyệt đối không được trèo lên cột điện hoặc dùng sào gỡ mà cần báo cho đơn vị quản lý, vận hành dùng các thiết bị chuyên dụng để xử lý, tránh nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.

Để đảm bảo an toàn điện trong nhân dân, hạn chế sự cố thiết bị, nhất là ngăn ngừa tình trạng thả diều gần công trình lưới điện tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc thả diều để tránh các sự cố làm gián đoạn cung cấp điện và ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn cung cấp điện, nhất là trong giai đoạn cao điểm hè; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm gây sự cố hệ thống lưới điện theo nghị định 134 của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

Các bậc phụ huynh quan tâm, nhắc nhở, giám sát con em mình không thả diều gần đường dây điện, chọn thả diều ở những nơi đảm bảo các điều kiện chơi thả diều như: có khoảng không gian rộng, ít cây cối, nhà cửa, không có đường dây, trạm điện để bảo đảm an toàn.

Việc chơi diều là một thú vui, một hình thức giải trí và thư giãn của một bộ phận người dân. Song, đây là một thú vui mà lợi bất cập hại. Vì vậy, thả diều ở đâu, ở chỗ nào để không nguy hiểm, không gây sự cố lưới điện là điều mà người chơi diều cần quan tâm thực hiện./.

Xuân Chung – Điện lực Kinh Môn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HIỆP HÒA - THỊ XÃ KINH MÔN

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Văn Quân

Địa chỉ: CT UBND xã Hiệp Hòa 

Điện thoại:.0914753270

Email: nguyenthih58@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0