Nuôi ong mật nội rừng cho hiệu quả cao
Người nuôi ong mật nội rừng ở thị xã Kinh Môn đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch vụ mật xuân. Nhờ có diện tích rừng lớn 1.199 ha cùng diện tích cây ăn quả ven đồi rừng ở dãy núi An Phụ kéo dài 17km mà người nuôi ong mật nội rừng không mất nhiều kinh phí vẫn thu lợi cao.
Ông Vương Văn Toán thôn Đại Uyên (xã Bạch Đằng) đầu tư phát triển 70 đàn ong nội. Bình quân mỗi năm ông Toán thu được gần 1.000 lít mật ong tự nhiên. Với giá bán từ 180-200 nghìn đồng/lít, ông thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng. Theo ông Toán, lợi thế khác biệt của người nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn nhờ có diện tích rừng nên quanh năm, mùa hoa nào thì thu mật ấy. Trong đó có 3 vụ mật chính: vụ mật xuân (từ cuối tháng giêng đến đầu tháng 3 âm lịch) thu mật hoa nhãn, hoa vải, bưởi, xoài; vụ mật hè (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 âm lịch) thu mật hoa liễu, bạch đàn; vụ mật thu (tháng 9 đến trung tuần tháng 10 âm lịch) thu mật hoa keo. Lợi nhuận kinh tế vì thế mà tăng cao.

Còn với ông Nguyễn Văn Tứ ở xã Cẩm Chế (huyện Thanh Hà) lại bén duyên với nghề nuôi ong mật nội dưới chân núi An Phụ khu vực thôn Đích Sơn xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn) quy mô 50 đàn ong. Ông Tứ cho biết nuôi ong mật nội không mất nhiều công chăm sóc mà chủ yếu nắm vững đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn để tránh cho ong không bị bệnh, bỏ đàn và nhất là tránh là sự cạnh tranh trong môi trường tự nhiên với đàn ong ngoại. Ông Tứ khẳng định: “Nuôi ong mật nội rừng chi phí đầu tư thấp (chỉ mất 1 năm đầu mua ong giống, sau đó người nuôi có thể tự nhân đàn theo nhu cầu nuôi), không mất nhiều diện tích nuôi, thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Ở Kinh Môn hầu như được thu mật quanh năm, chỉ có mùa đông giá rét, cây khô lá vàng thì phải che chắn kín gió, vệ sinh thùng nuôi và cho ăn bổ sung để duy trì đàn”.
Để giúp người nuôi ong phát triển, Hợp tác xã nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn được thành lập tháng 9.2019 đến nay đã thu hút 51 thành viên không chỉ ở thị xã Kinh Môn mà các hộ nuôi ong nội ở huyện Thanh Hà, Kim Thành. Sản phẩm của thành viên đã được Hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể, đóng chai, in lô gô, mã vạch và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2020, Hợp tác xã nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đầu tư máy hạ thủy phân, tách thành phần nước trong mật tự nhiên để mật sánh, ngon hơn.
Ông Nguyễn Đức Thả - Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn cho biết: “Thị xã Kinh Môn có diện tích rừng lớn tập trung ở dãy núi An Phụ trải dài khắp 16 xã/phường với hệ thực vật đa dạng, trong đó có nhiều loại cây có hoa cho mật quý như: liễu, bạch đàn, keo, sim, mẫu đơn, mái rừng, chè vằng vv… Chính bởi vậy, mật ong nội ở rừng Kinh Môn luôn được thị trường ưa chuộng. Người nuôi không phải tìm đầu ra. Hộ nuôi ít mỗi năm thu lãi 30-40 triệu đồng, hộ nhiều đến hơn 100 triệu đồng. Mục tiêu của Hợp tác xã nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn hướng đến thị trường xuất khẩu nhưng hiện tại hầu như không đủ cung cấp cho khách hàng trong nước qua hệ thống phân phối thực phẩm Vietgap”.
Máy hạ thủy phân của HTX nuôi ong mật nội rừng Kinh Môn tách thành phần nước khỏi mật ong từ 20% xuống còn 10% giúp mật ong ngon, sánh và bảo quản được lâu.
Thị xã hiện có gần 100 hộ nuôi ong với trên 1.150 đàn ong, sản lượng mật thu được đạt trên trên dưới 17 nghìn lít mỗi năm, mang lại nguồn kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, nuôi ong nội rừng lấy mật rất phù hợp với nhiều gia đình có diện tích đồi rừng ở thị xã. Đây cũng là sản phẩm đặc trưng có nhiều thế mạnh được các xã lựa chọn xây dựng sản phẩm ô cốp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế./.
Thu Xuân